Binh lực và kế hoạch Chiến_dịch_Znamenka-Krivoy_Rog

Quân đội Liên Xô

Cơ cấu và bố trí

Đến ngày 20 tháng 10 năm 1943, trên đoạn trung lưu sông Dniepr từ ngã ba hợp lưu giữa sông Ros với sông Dniepr đến Vasilevka dài trên 500 km có hai phương diện quân Liên Xô tham chiến. Tổng cộng binh lực có 13 tập đoàn quân binh chủng hợp thành, 1 tập đoàn quân xe tăng, 2 tập đoàn quân không quân, 3 quân đoàn cơ giới độc lập và các đơn vị kỹ thuật, hậu cần.

Phương diện quân Ukraina 2 chiếm lĩnh chính diện mặt trận từ phía Bắc Cherkassy đến Verkhne Dnieprovsk.

Tư lệnh: Đại tướng I. S. Konev.Tham mưu trưởng: Trung tướng M. V. Zakharov

Trong biên chế có:

  • Tập đoàn quân cận vệ 4 của trung tướng I. V. Galanin, gồm các quân đoàn bộ binh cận vệ 20, 21 và quân đoàn cơ giới cận vệ 3.
  • Tập đoàn quân cận vệ 5 của trung tướng A. S. Zhadov, gồm các quân đoàn bộ binh cận vệ 32, 33 và trung đoàn pháo tự hành 123.
  • Tập đoàn quân cận vệ 7 của trung tướng M. S. Sumilov, gồm các quân đoàn bộ binh cận vệ 24, 25, sư đoàn bộ binh 303 và lữ đoàn xe tăng cận vệ 27.
  • Tập đoàn quân 37 của trung tướng M. N. Sharokhin, gồm quân đoàn bộ binh cận vệ 27, các quân đoàn bộ binh 57 và 82.
  • Tập đoàn quân 52 của trung tướng K. A. Koroteev, gồm các quân đoàn bộ binh 73, 78, sư đoàn bộ binh 294 và lữ đoàn xe tăng 173.
  • Tập đoàn quân 53 của trung tướng I. M. Managarov, gồm các quân đoàn bộ binh 18, 49, 57 và trung đoàn cơ giới 34.
  • Tập đoàn quân 57 của trung tướng N. A. Gaghen, gồm các quân đoàn bộ binh 9, 64 và 68; được tăng cường Lữ đoàn xe tăng 96.
  • Tập đoàn quân xung kích 5 của trung tướng V. D. Tsvetayev gồm các sư đoàn bộ binh 4, 87, 300, 315 và quân đoàn cơ giới 7.
  • Quân đoàn bộ binh cận vệ 9 (độc lập) của thiếu tướng A. A. Boreyko gồm các sư đoàn bộ binh cận vệ 9 và 20.[6]
  • Tập đoàn quân không quân 5 của trung tướng S. K. Goryunov.
  • Trong quá trình chiến dịch, Phương diện quân được tăng cường Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 của trung tướng P. A. Rosmitrov gồm Quân đoàn xe tăng cận vệ 18, Quân đoàn xe tăng cận vệ 29 và Quân đoàn cơ giới cận vệ 5[7]

Phương diện quân Ukraina 3 chiếm lĩnh chính diện mặt trận từ Verkhne Dnieprovsk đến Vasilevka

Tư lệnh: Thượng tướng R. Ya. Malinovsky.Tham mưu trưởng: Trung tướng F. K. Korzhnyevich

Trong biên chế có:

  • Tập đoàn quân cận vệ 1 của trung tướng A. A. Grechko gồm các quân đoàn bộ binh cận vệ 6, 28, Quân đoàn xe tăng 18 và sư đoàn bộ binh 153.[8]
  • Tập đoàn quân cận vệ 3 của trung tướng D. I. Ryabyshev gồm các quân đoàn bộ binh cận vệ 8, 14, các lữ đoàn cơ giới cận vệ 1 và 22.
  • Tập đoàn quân cận vệ 8 của thượng tướng V. I. Chuikov gồm các quân đoàn bộ binh cận vệ 4, 29, Lữ đoàn xe tăng 11 và lữ đoàn cơ giới cận vệ 10[9]
  • Tập đoàn quân 6 của trung tướng I. T. Slemin, gồm các quân đoàn bộ binh 60 và 66.
  • Tập đoàn quân 12 của trung tướng A. I. Danilov gồm các sư đoàn bộ binh 172, 203, 244, 333 và 350. Ngày 10 tháng 11, Tập đoàn quân này giải thể, bàn giao các sư đoàn cho Tập đoàn quân 6 để thành lập Quân đoàn bộ binh 60.
  • Tập đoàn quân 46 của trung tướng V. V. Glagolev gồm Quân đoàn bộ binh cận vệ 5, Quân đoàn bộ binh 34, Quân đoàn xe tăng cận vệ 4, các trong đoàn pháo tự hành 52 và 187.
  • Tập đoàn quân không quân 17 của trung tướng V. A. Sudet.

Kế hoạch hành động

Ngày 11 tháng 10, sau khi xem xét kế hoạch tấn công của I. S. Konev, Nguyên soái G. K. Zhukov đồng ý với phần lớn lịch trình các cuộc tấn công của Phương diện quân Ukraina 2. Tuy nhiên, nhận thấy mức độ đột phá ở các căn cứ đầu cầu chưa bảo đảm chiều sâu chiến dịch, Zhukov đề nghị Konev rút Tập đoàn quân cận vệ 5 khỏi căn cứ đầu cầu phía trước Gradizhsk và điều nó đến khu vực Deryevka và đột phá theo sau đội hình Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5. Ở phía Nam, do Quân đoàn bộ binh 17 (Đức) đã quá suy yếu, chỉ cần Tập đoàn quân cận vệ 3 cũng đủ để đánh chiếm Zhaporozh trong khi Quân đoàn xe tăng 40 (Đức) còn ở bên kia sông Dniepr; Zhukov đề nghị Tập đoàn quân cận vệ 8 đổi chỗ cho Tập đoàn quân 6 (mới được sáp nhập các đơn vị của Tập đoàn quân 12 bị giải thể). Tập đoàn quân cận vệ 3 sẽ phối hợp với Tập đoàn quân 6 đánh chiếm Zhaporozh. Còn Tập đoàn quân cận vệ 8 sẽ được sử dụng để đột phá từ khu vực đầu cầu Voiskoye sang phía Đông, một bộ phận phát triển lên phía Bắc tấn công Dniepropetrovsk từ phía Nam[2].

Ý định ban đầu của I. S. Konev là hợp vây cụm quân Đức tại Dniepropetrovsk sau đó đột kích thẳng vào Krivoi Rog, chia cắt toàn bộ cánh Nam của Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) và cô lập chúng ở chỗ lồi Nikopol - Marganets. Để che chở cho cánh Bắc của chiến dịch, các Tập đoàn quân cận vệ 4 và 52 cũng phải tổ chức vượt sông từ đầu cầu mà quân du kích Ukraina tạo được Tây Bắc Cherkassy, đánh chiếm Smela (Smila) và phát triển xuống phía Đông Nam. Tuy nhiên, Tổng tham mưu trưởng A. M Vasilevsky (lúc này đang chỉ đạo hoạt động của các phương diện quân Ukraina 3 và 4) đã cảnh báo trước rằng các hoạt động tấn công của hai phương diện quân này chỉ có thể bắt đầu sau khi thủ tiêu bàn đạp Nokopol của Tập đoàn quân 6 (Đức) và việc này không thể sớm hơn tháng 12 do quân Đức đang tập kích ác liệt vào Tập đoàn quân xung kích 5 (Liên Xô).[10] Tướng I. S. Konev cho đây là thời cơ tốt để hàng động sớm vì khi Kryvoy Rog đã nằm trong tay quân đội Liên Xô, mối đe dọa từ bàn đạp Nikopol sẽ tự nhiên được gỡ bỏ.[11]

Quân đội Đức Quốc xã

Bố trí binh lực

Cánh Nam của Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) bố trí trên trận tuyến dài hơn 900 km đối diện với hai phương diện quân Liên Xô cũng có binh lực khá mạnh với 4 quân đoàn xe tăng và 4 quân đoàn bộ binh, được bố trí chủ yếu dọc theo theo sông Dniepr:

Tập đoàn quân 8 (AOK 8), còn gọi là cụm quân Wöhler (Armeegruppe Wöhler) được tái lập ngày 22 tháng 8 năm 1943, do thượng tướng bộ binh Otto Wöhler chỉ huy. Biên chế gồm có:

  • Quân đoàn xe tăng 3 do các tướng Heinz Ziegler (tháng 10-1943), Friedrich Schulz (tháng 11-1943) và Hermann Breith lần lượt chỉ huy, gồm:
    • Sư đoàn xe tăng 3,
    • Sư đoàn xe tăng 6,
    • Sư đoàn xe tăng 10 (chuyển binh chủng từ Sư đoàn mô tô cơ giới 10),
    • Sư đoàn xe tăng 11,
    • Sư đoàn xe tăng 14 (tái lập, mới chuyển từ lực lượng dự bị miền Tây nước Pháp sang),
    • Sư đoàn 376 mới chuyển từ Cụm Tập đoàn quân "D" (Hà Lan) sang[12].
  • Quân đoàn bộ binh 11 (tái lập sau khi bị đánh tan trong trận Stalingrad) do các tướng Erhard Raus (đến ngày 1 tháng 11 năm 1943) và Wilhelm Stemmermann lần lượt chỉ huy. Trong biên chế có:
    • Sư đoàn bộ binh 72,
    • Sư đoàn bộ binh 57,
    • Sư đoàn bộ binh 167 (1/3 quân số)
    • Sư đoàn xe tăng 5 SS "Wiking",
    • Lữ đoàn bộ binh tình nguyện SS.
  • Quân đoàn bộ binh 42 do tướng Franz Mattenklott chỉ huy (đầu tháng 10 được chuyển đi tăng cường cho Quân đoàn xe tăng 48 phản công tại Kiev)
  • Quân đoàn cơ giới 47 do các tướng Rudolf von Bünau và Nikolaus von Vormann lần lượt chỉ huy, trong biên chế có:
    • Sư đoàn xe tăng 9
    • Sư đoàn bộ binh 320,
    • Sư đoàn bộ binh 106,
    • Sư đoàn bộ binh 167 (2/3 quân số),
    • Sư đoàn bộ binh 262,
    • Sư đoàn bộ binh 282,
    • Sư đoàn bộ binh 389.

Tập đoàn quân xe tăng 1 do thượng tướng Hans-Valentin Hube chỉ huy. Biên chế gồm có:

  • Quân đoàn xe tăng 40 do tướng Ferdinand Schörner chỉ huy, trong biên chế có:
    • Sư đoàn xe tăng 13 đóng ở Krivoy Rog,
    • Sư đoàn xe tăng 17 đóng ở Nikopol.
    • Sư đoàn bộ binh 333,
    • Sư đoàn bộ binh 257 (điều động từ Britagne-Pháp sang tháng 1 năm 1943)
  • Quân đoàn bộ binh 30 do thượng tướng Maximilian Fretter-Pico chỉ huy, trong biên chế có:
    • Sư đoàn bộ binh 46 đóng ở Krivoy Rog,
    • Sư đoàn bộ binh 304,
    • Sư đoàn bộ binh 306.
  • Quân đoàn xe tăng 57 do tướng Hans-Karl Freiherr von Esebeck chỉ huy, trong biên chế có:
    • Sư đoàn xe tăng 9,
    • Sư đoàn xe tăng 23
    • Sư đoàn cơ giới Đại Đức (Panzer-Grenadier-Division Großdeutschland)
    • Sư đoàn xe tăng 3 SS "Đầu lâu" ("Totenkopf") (đầu tháng 10 được rút lên hướng Kiev)
    • Sư đoàn bộ binh 15,
    • Sư đoàn bộ binh 62,
    • Sư đoàn bộ binh 294.
  • Quân đoàn bộ binh 52 do các tướng Erich Buschenhagen và Hans-Karl von Scheele lần lượt chỉ huy, trong biên chế có:
    • Sư đoàn bộ binh 76 (tái lập sau trận Stalingrad)
    • Sư đoàn bộ binh 384,
    • Sư đoàn đổ bộ đường không 2.
  • Quân đoàn bộ binh 17 do tướng Hans Kreysing chỉ huy, trong biên chế có:
    • Sư đoàn bộ binh 123,
    • Sư đoàn bộ binh 125,
    • Sư đoàn bộ binh 294.

Kế hoạch phòng thủ

Do các hoạt động tích cực của Quân đội Liên Xô tại khu căn cứ đầu cầu Bukrin (Velykyi Bukryn) trong suốt tháng 9 và tháng 10 năm 1943 nên thống chế Erich von Manstein bố trí phần lớn các sư đoàn xe tăng hai bên khu vực này, phía Tây Bắc Bukrin có các quân đoàn xe tăng 24 và 48 của Tập đoàn quân xe tăng 4. Phía Đông Nam Bukrin có Quân đoàn xe tăng 3 với binh lực rất mạnh, tương đương với một tập đoàn quân xe tăng. Chỉ sau khi Phương diện quân Ukraina 1 công kích Kiev từ phía Bắc, các quân đoàn xe tăng 24 và 48 mới được rút khỏi đây. Trong khi đó, Quân đoàn xe tăng 3 (Đức) vẫn giữ nguyên vị trí do lo ngại Quân đội Liên Xô vẫn có thể dùng bàn đạp này để đột kích về phía Nam.[4]

Dựa vào chướng ngại sông Dniepr rộng trung bình 400 m, riêng đoạn hồ chứa nước thủy điện Dniepr từ Novomoskovsk đến Zhaporozh có chỗ rộng đến hơn 1 km, Quân đội Đức Quốc xã xây dựng hai tuyến phòng thủ dọc theo bờ sông. Tuyến phòng thủ thứ nhất sâu từ 4 đến 6 km, có các hỏa điểm cảnh giới trên các triền đồi cao ngay sát bờ sông, chủ yếu gồm bộ binh và trinh sát cơ giới. Tuyến thứ hai sâu từ 10 đến 15 km, gồm chủ yếu là xe tăng, cơ giới và pháo tự hành. Phía sau các đơn vị này là các cụm pháo binh. Từ Cherkassy đến Zaporozh, quân Đức bố trí gần 100 cụm pháo các loại. Các thành phố ven sông như Cherkassy, Dnieprozherrzhinsk, Dniepropetrovsk, Zhaporozh và các thành phố trong hậu tuyến như Znamenka, Aleksandrya, Pyatikhatka, Krivoy Rog, Kirovograd đều được cấu trúc thành các khu vực phòng thủ vững chắc.[13]. Quân Đức hy vọng sẽ đánh tiêu hao các binh đoàn Liên Xô trên các tuyến phòng ngự rồi sau đó, dùng sức mạnh của xe tăng dồn họ trở lại tả ngạn sông Dniepr.[5]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Znamenka-Krivoy_Rog http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/A... http://bdsa.ru/index.php?option=com_content&task=v... http://bdsa.ru/index.php?option=com_content&task=v... http://militera.lib.ru/h/dorogami_pobed/05.html http://militera.lib.ru/h/grylev_an/01.html http://militera.lib.ru/h/mellenthin/15.html http://militera.lib.ru/memo/german/manstein/15.htm... http://militera.lib.ru/memo/russian/chuykov_vi4/12... http://militera.lib.ru/memo/russian/konev/02.html http://militera.lib.ru/memo/russian/rotmistrov2/05...